watch sexy videos at nza-vids!
Về trang chủ: Truyện Sex 2016
Té ở nhà chứ đâu! Lăn từ trên cầu thang xuống!
Hà Lan thật khờ, nó tin ngay. Và nó vội vã lục lọi trong túi xách lấy ra chai dầu, nói:
- Để Hà Lan xức dầu cho Ngạn nghen!
Rồi không đợi tôi có ý kiến, Hà Lan dốc dầu ra tay và xoa lên các vết bầm trên má tôi.
Tôi khẽ nhắm mắt lại và có cảm giác những ngón tay dịu dàng và mềm mại của Hà Lan đang mơn man lên trái tim tôi. Chúng như đang an ủi và xoa dịu nỗi đau trong lòng tôi bằng sự âu yếm lặng thầm. Hệt như ngày xưa, thuở còn học ở trường làng. Thuở ấy, Hà Lan luôn luôn ở bên cạnh tôi trong những trận đánh nẩy lửa và sự lo lắng săn sóc của nó bao giờ cũng đem lại cho tôi một sự êm ái tuyệt vời.
Bây giờ cũng vậy. Tôi đang chìm vào một trạng thái êm đềm ngây ngất. Những ngón tay mượt mà của Hà Lan đang lướt nhẹ trên má tôi đã đánh thức trong tôi những xúc cảm quen thuộc, những xúc cảm mà tôi tưởng đã mãi mãi thuộc về kỷ niệm. Và tôi bồi hồi hỏi:
- Dầu ở đâu vậy?
- Của Hà Lan.
- Bộ lúc nào Hà Lan cũng bỏ theo chai dầu hả?
Hỏi xong, tôi chợt mỉm cười. Tôi nhận ra tôi đã hỏi Hà Lan đúng cái câu ngày xưa tôi đã hỏi, lúc tôi trèo lên đầu hồi tìm trứng chim cho Hà Lan và bị ngã u đầu. Tôi nghe Hà Lan đáp:
- Ừ.
Và tôi lại bâng khuâng hỏi:
- Bỏ theo chi vậy?
Hà Lan cười:
- Để xức chứ chi! Tối đi chơi không xức dầu, dễ trúng gió lắm…
Đang nói, Hà Lan bỗng im bặt. Và ngó lơ chỗ khác. Còn tôi, trong một thoáng, bỗng sực tỉnh và nhanh chóng rơi ra khỏi giấc mơ ngọt ngào của quá khứ. Cảm giác dịu dàng mà Hà Lan đem lại không còn lừa phỉnh tôi được nữa. Và tôi cay đắng nhận ra sự thay đổi của số phận. Hà Lan trước mặt tôi không còn là cô bạn bé bỏng ngày nào. Nó bỏ chai dầu theo người không phải vì “Ngạn chuyên môn đánh nhau, lại chúa hay té” như trước đây nữa mà vì những buổi tối đi chơi với Dũng. Tối nào cũng đi nhong nhong ngoài đường, nó sợ trúng gió.
Từ lúc biết được điều đó, Hà Lan càng xức dầu, tôi càng thấy đau. Và tôi nằm im như khúc gỗ, u sầu và giận dỗi. Hà Lan cũng lặng thinh. Xức dầu cho tôi xong, nó lặng lẽ ra về, không nói một lời. Nó biết câu nói vô ý của nó đã làm tôi thương tổn. Hà Lan yêu Dũng, điều đó chấp nhận được, dẫu chẳng dễ dàng gì. Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi khi nghe bất cứ một điều gì thuộc về “chi tiết” của mối quan hệ đó.
Hà Lan về, tôi không tiễn. Tôi nằm trên giường nhìn nó biến mất sau khung cửa. Và thở dài. Hẳn nó đến đây không phải để săn sóc tôi. Nó đâu biết tôi bị… té cầu thang. Chắc Hà Lan tìm tôi để tâm sự, để sụt sùi, và để trút nỗi khổ của nó lên nỗi khổ của tôi.
Tôi nhìn lên trần nhà, tôi nhìn lên mặt phẳng nằm ngang, và thầm nói:
Ừ, em hãy đi đi
Với niềm vui và nỗi hân hoan choáng ngợp trong lòng.
Em hãy tìm đến bất kỳ nơi nào em thích
Đừng tìm đến anh
Đừng tìm đến anh làm gì
Dẫu trong hạnh phúc của em
Anh chẳng được dự phần
Thì anh cũng chẳng nề hà gì làm một kẻ đứng ngoài
Tham dự vào số phận của em bằng những lời chúc tụng
Hãy cứ nghĩ như em từng nghĩ
Anh có là gì đâu
Anh chỉ mong em hãy đến với anh
Khi nào em không còn bất kỳ nơi nào để đến
Khi nào đôi chân quen nhún nhẩy của em
Đã bắt đầu thất thểu
Dưới gánh nặng của khổ đau
Bấy giờ anh sẽ ở bên em
Với một ước muốn nhỏ nhoi
Được chia sớt cùng em
Một phần cơ cực.
Những lời thì thầm cứ vang lên trong lòng tôi, ngậm ngùi, thanh thảnh, trở đi trở lại như một điệp khúc tưởng vọng. Chúng không tan, suốt một tuần.
***
Cô Thịnh đến vào lúc tôi chẳng mong đợi chút nào. Cô đến với chị Nhường, tay ôm một chục cam. Vừa bước vào phòng, cô Thịnh ỏi liền:
- Ngạn bị đụng xe sao vậy?
Tôi trả lời lấp lửng:
- Thì đụng chứ đụng sao! Hai xe đâm vào nhau, ngã lăn quay! – Rồi tôi nhìn cô Thịnh, tò mò hỏi – Ai nói cô biết Ngạn bị đụng xe?
- Thằng Liêm. Nó nói với Nhường. Nhường nói lại với cô.
Hóa ra là thằng Liêm lẻo mép! Nó thương tôi thành ra hại tôi. Tôi muốn giấu nhẹm mọi chuyện, bây giờ lại tung tóe ra. Cô Thịnh đâu phải là Hà Lan, tôi đừng hòng bịp cô được. Đúng như tôi nghĩ, nhìn lướt qua tôi một cái, cô Thịnh biết liền.
Cô trách:
- Ngạn nói dối. Không phải Ngạn bị đụng xe.
Tôi giật thót, vội quả quyết:
- Ngạn bị đụng xe thật mà!
Cô Thịnh nhìn tôi chằm chằm. Rồi lắc đầu:
- Đụng xe phải xây xát, trầy trụa ghê lắm! Ở đây chỉ toàn những vết bầm. Chắc là Ngạn đánh nhau với ai!
Cô Thịnh nói trúng phóc, tôi đành ngồi im.
- Ngạn đánh nhau với ai vậy? – Cô Thịnh lại hỏi.
Tôi gãi đầu:
- Với… thằng bạn cùng lớp.
- Bạn cùng lớp mà đánh nhau?
Tôi lại bối rối:
- Ừ, chuyện nhỏ thôi. Do hiểu lầm.
Tôi cố tình giải thích mập mờ. Nhưng cô Thịnh chẳng hỏi nữa. Cô chỉ thở dài:
- Hồi nhỏ Ngạn là chúa đánh nhau. Lớn lên, tưởng Ngạn thay đổi, ai ngờ vẫn vậy. Hư quá!
Cô Thịnh trách tôi rõ là oan. Nhưng tôi không thể thanh minh. Tôi ngậm bồ hòn. làm ngọt.
Chị Nhường không trách tôi. Thấy tôi bị đánh, chị vừa thương vừa tức, bèn xúi:
- Đứa nào đánh Ngạn, Ngạn nhờ anh Dũng trả thù giùm cho! Anh Dũng có đi học võ đấy!
Tôi dở khóc dở cười, chưa biết nói sao, cô Thịnh đã nạt:
- Nhường đừng có xúi bậy! Không có chuyện đánh nhau nữa!
Rồi cô quay sang tôi, đe:
- Ngạn còn đánh nhau lần nữa, cô méc ba Ngạn liền.
Tôi gật đầu, buồn xo. Cô làm như tôi ham đánh nhau lắm. Cô chẳng hiểu gì tôi.
Đợi cho cô Thịnh và chị Nhường ra về, tôi uể oải ngồi dậy. Tôi vớ lấy cây đàn và lướt khẽ những đầu ngón tay lên dãy phím để nghe những âm thanh rung lên bồi hồi. Tôi tì cằm vào thùng đàn. Cằm tôi đau nhói. Nhưng tôi mặc xác. Những vết bầm trên mặt. Anh chẳng kể làm gì. Trái tim nhiều xây xát. Mới khó lòng quên đi…
***
Dũng quay về với Hà Lan.
Tôi đón nhận tin đó nửa vui nửa buồn. Tôi yêu Hà Lan, tôi muốn Dũng quay lại để Hà Lan nguôi đau khổ. Nhưng cũng vì yêu Hà Lan, trong thâm tâm tôi cầu mong Dũng đi luôn. Nó và Bích Hoàng cứ dắt nhau tếch đi đâu thì tếch, khuất mắt càng tốt. Tôi không rõ giữa hai ước muốn trái ngược đó, cái nào mạnh hơn. Chúng mạnh ngang nhau, tôi càng chết. Chúng mạnh ngang nhau, tôi cứ phải tự dày vò: rốt cuộc thì bản chất tình yêu là gì, vị tha hay ích kỷ. Tôi hỏi, và tôi không trả lời được. Đó là một trong những câu hỏi mà mãi mãi về sau tôi vẫn không thể tìm ra câu trả lời chính xác.
Tôi cũng không rõ Dũng quay về với Hà Lan vì lý do gì. Có phải vì trận đánh kinh hồn trên bờ sông hôm nọ? Tôi chẳng biết. Dũng chỉ ngắn gọn:
- Con Bích Hoàng chỉ được cái mẽ ngoài, chán bỏ xừ!
Sau đó, nó phóng xe đến chỗ Hà Lan. Nó sẽ chở Hà Lan đi chơi. Hà Lan sẽ rất hớn hở, và khi ra đi trong túi xách hẳn không quên bỏ theo chai dầu gió.
Hà Lan không quên chai dầu gió. Nó chỉ quên tôi.
Từ ngày Dũng quay trở lại, Hà Lan chẳng buồn đến tìm tôi nữa. Khi đau khổ, nó mới cần đến tôi.
Tôi chẳng giận Hà Lan. Tôi lại nhìn lên trần nhà. Tôi nhìn lên mặt phẳng nằm ngang. Và điệp khúc lại thì thầm:
Ừ, em hãy đi đi
Với niềm vui và nỗi hân hoan choáng ngợp trong lòng
Em hãy tìm đến bất kỳ nơi nào em thích
Đừng tìm đến anh
Đừng tìm đến anh làm gì
Đừng tìm đến anh làm gì. Cứ để tôi ngồi đây, lẻ loi, cô độc, và thấy lòng bỗng bao dung như trời bể. Sự độ lượng bao giờ cũng đem lại niềm vui tinh thần cao quí. Như kẻ ngoan đạo đang đắm mình trong đức tin, tôi thấy lòng nhẹ không. Lòng tôi đang rũ sạch bụi trần.
Không, vẫn còn sót lại một hạt bụi cuối cùng. Nó rơi vào mắt tôi khiến mắt tôi cay xè. Khiến tôi ngạc nhiên thấy lòng vui quá xá vui mà trên môi sao có gì mặn chát. Có phải muối đấy không?
***
Mùa hè năm đó dài đằng dặc đối với tôi.
Như không phải là ba tháng, mà ba năm, hay lâu hơn thế nữa. Tôi có cảm tưởng như đã biến mất những mùa thu, những mùa đông, những mùa xuân trên trái đất. Khắp trần gian chỉ có mỗi mùa hè. Hoa phượng nở lê thê từ tháng giêng đến tháng chạp, kép theo những tiếng ve gầy.
Tôi về làng đủ đầy ba tháng ve kêu.
Hà Lan chỉ ở có hai mươi ngày. Nó cắt mùa hè ra làm hai phần không đều nhau. Phần lớn nhất nó dàng cho thành phố. Ở đó có vui chơi, có hội hè, có Dũng. Nó chỉ dành cho làng Đo Đo có hai mươi ngày ít ỏi.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi chỉ đến chơi vài lần. Chẳng lần nào giống như ngày xưa. Chúng tôi vẫn ngồi cạnh nhau dưới giàn hoa thiên lý, vẫn tinh nghịch đong đưa chân trên những khúc gỗ tròn, nhưng niềm hào hứng ngày nào đã bỏ đi đâu. Dường như giữa chúng tôi chẳng còn gì để nói, cứ mỗi lần cất lời là mỗi lần nhận thấy mình ngượng ngập. Giữa trưa hè ngột ngạt, chúng tôi ngồi lặng thinh, trống vắng, ở bên nhau mà nghìn trùng xa cách. Đôi mắt biếc ngày nào, khi dõi theo những cánh chuồn chuồn đang ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, em có chạnh lòng tiếc nuối tuổi thơ qua?
Tôi ra về lầm lũi. Tôi hiểu rằng từ nay chỉ có một mình tôi giữa bốn bề phượng vĩ. Hà Lan về làng nhưng lòng nó chẳng theo về. Lòng nó đã thôi tím hoa sim, thôi vàng hoa thị và có lẽ hình ảnh những phiên chợ đêm giăng mắc ánh đèn dọc quãng đời tuổi nhỏ cũng đã từ lâu thôi lấp lánh.
Tôi về một mình. Hè này, cô Thịnh không về. Cô ở lại nhà chị Nhường ráo riết ôn tập chuẩn bị thi tú tài hai. Chắc cô lại thức khuya lắc khuya lơ và dậy từ khi trời còn mờ mịt. Chắc cô lại thường xuyên nhúng đầu vào thau nước trong lúc học bài để cho tỉnh ngủ. Chắc cô chả nhớ đến tôi.
Suốt mùa hè, hầu như chiều nào tôi cũng vào chơi trong rừng Sim. Tôi đi một mình, ngay cả thời gian Hà Lan còn ở làng. Tôi lững thững đặt chân trên những lối mòn quen thuộc, nghe tiếng lá khô vỡ dưới gót giày, lòng cứ ngỡ chiều đi xào xạc. Tôi ngồi trên phiến đá năm nào, lạnh một bên vai, chỗ trống một người trong thoáng mắt đã ngập đầy lá rụng.
Tôi ngồi lặng thinh giữa hoàng hôn vây bọc, mơ màng hoài niệm về những ngày xưa cũ. Mà cũng chẳng xưa cũ gì, mới đây thôi. Mùa hè năm ngoái, trước ngày giã từ phố huyện, tiếng đàn tôi chẳng giấu giếm điều gì:
Lòng anh
Dù rộng dài như bể
Vắng cách buồm em
cũng lẻ loi
Lúc ấy, tôi chẳng lẻ loi. Hà Lan ở bên tôi. Nó đón nhận tình tôi, dẫu chẳng hứa hẹn điều gì. Nhưng chỉ cần vậy thôi, trái tim tôi đã reo vui và hồn tôi trang hoàng bao nhiêu là mơ mộng. Vậy mà, tất cả đã xa, mù khơi, thăm thẳm. Tôi chẳng bao giờ ngờ chỉ cần một khoảng cách ngắn ngủi giữa hai mùa hè, mọi thứ trên đời đều có thể bị đẩy lùi vào quá khứ chẳng chút xót thương. Mọi thứ, trừ tình yêu của tôi.
Hà Lan tưởng có thể thổi tắt tình yêu của tôi dễ dàng như thổi tắt một ngọn nến. Nó lầm. Nó chẳng hiểu lòng tôi. Từ rất lâu, lòng tôi đã hứa, như tôi đã một lần thổ lộ với bà khi còn sống: “Lớn lên cháu sẽ cưới nó làm vợ, bà ạ!”. Tôi đã nói, và tôi mãi mãi không quên. Hà Lan chẳng biết điều đó. Chẳng ai biết điều đó. Trừ bà. Bà là người nắm giữ sức mạnh của các câu chuyện cổ. Bà hiểu rõ điều kỳ diệu của tình yêu, lòng nhân ái, tính giản dị và sự trong trẻo của tâm hồn. Không cần phải suy nghĩ, chỉ bằng trực giác, bà đã hiểu ngay điều tôi muốn bà hiểu: đối với tôi, Hà Lan chính là hóa thân yêu kiều của tuổi thơ rực rỡ, của đất đai quê xứ. Nó mang vào mối tình tôi một niềm hoài vọng không nguôi.
Những ngọn nến tình yêu trong lòng tôi không tắt. Dù Hà Lan cứ thổi, thổi hoài. Chúng không tắt, chúng chỉ mờ đi. Chúng cháy lập lòe, kiên trì và buồn bã, và đợi mong.
Tôi đợi mùa hè sắp tới. Tôi đợi mọi sự đổi thay. Nếu sang năm chẳng có tin vui, tôi sẵn lòng đợi thêm mấy mùa phượng đỏ. Hẳn trái tim Hà Lan sẽ có buổi quay về, hẳn thế! Lẽ nào nó chẳng nghe thấy tiếng đàn tôi ngậm ngùi tan đi trong gió, dẫu nó đang ở tận đâu trong xa thẳm mịt mù:
Mùa hè nào gặp gỡ
Mùa hènào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ
Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu?
Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất
Xin trả lại cho tôi
Xin trả lại cho người yêu tôi
Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô
Ấy chính là mùa hè của tôi
Ngủ quên trong nách lá
Những ngọt bùi tôi đã nếm trải
Những đắng cay tôi đã nếm trải
Những mùa hè bỏng rát sau lưng
Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại
Tôi đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?
Tôi sẽ đi tìm mùa hè tươi đẹp của tôi
Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy nếu Hà Lan nhất quyết giấu mùa hè đằng sau lưng nó. Nó và Dũng sẽ đứng che khuất mùa phượng đỏ mà tôi ngóng đợi. Nó mặc tôi tìm kiếm lang thang trong cuộc đời. Nó mặc tình yêu tôi dãi nắng dầm mưa, trái tim tôi sốt ba mươi chín độ. Nghĩ vậy, tôi buồn quá, chẳng thèm hát hỏng. Tôi buông đàn xuống và ngồi im. Ngồi im vui hơn.
***
Lên lớp mười một, tôi học vùi đầu. Cuối năm thi tú tài một, rớt là vô lính, đứa nào cũng ngán. Dũng ngoại lệ, nó đi chơi tà tà. Chắc nó nghĩ đằng nào nó cũng thi rớt, trước khi bị đẩy ra chiến trường, ăn chơi xả láng cho sướng thân.
Dũng xả láng bằng cách cặp bồ lung tung. Nó đi chơi hết cô này đến cô khác, báo hại Hà Lan khóc sưng cả mắt. Và, cũng như năm ngoái, Hà Lan lại tìm đến tôi, kể khổ. Lần này, nó không buồn giữ kẽ. Nó không rơm rớm nước mắt, mà gục đầu lên vai tôi, khóc vùi.
Hà Lan khóc mà tôi ướt áo. Nước mắt nó cháy bỏng da thịt tôi, như a-xít. Nếu nó khóc vì tôi, hẳn tôi sẽ xúc động ghê gớm. Hẳn tôi sẽ mủi lòng khóc theo. Nhưng đằng này, nó khóc vì Dũng. Nó khóc thằng sở khanh đó, trái tim tôi chai lì.
Lần đầu, vụ Bích Hoàng còn khiến tôi điên tiết nện nhau với Dũng. Tôi làm kẻ giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha. Tôi muốn Hà Lan hạnh phúc. Nhưng càng về sau, trái tim tôi càng nguội máu anh hùng. Tôi chẳng thiết làm Lục Vân Tiên nữa. Phong Lai trá hàng và liên tục trở mặt khiến Lục Vân Tiên mệt mỏi. Cuối cùng chịu hết nổi, tôi nói:
- Dũng đã như vậy, Hà Lan nghỉ chơi luôn đi! Dính dáng làm gì cho khổ thân!
Thấy Dũng chẳng ra gì, tôi định khuyên Hà Lan dứt áo từ lâu. Nhưng tôi ngại Hà Lan hiểu lầm. Tôi ngại nó nghi tôi yêu không được giở trò phá đám. Nhưng đến nước này, tôi bất chấp. Bây giờ tôi chỉ ngại mỗi một điều, dây dưa với Dũng, Hà Lan sẽ chuốc thêm đau khổ.
Hà Lan chẳng nghe tôi. Nó lắc đầu:
- Hà Lan không thôi Dũng được!
Hà Lan nói vậy, tôi chỉ biết thở dài. Tôi buồn cho tôi. Và tôi buồn cho Hà Lan. Tôi chẳng biết làm sao xoa dịu nỗi đau trong lòng nó. Những lời an ủi của tôi mới tẻ nhạt làm sao. Điều đó khiến tôi vô cùng ray rứt và tôi có cảm giác như tôi, chính tôi, chứ không phải Dũng, đã gây ra nỗi bất hạnh cho Hà Lan.
***
Mối tình giữa Hà Lan và Dũng cứ dùng dằng như vậy, suốt năm. Dũng chập chờn như cánh bướm, nay đóa hoa này, mai đóa hoa khác, thỉnh thoảng lại quay về với Hà Lan. Tôi nghiến răng chứng kiến cảnh đó, chẳng vui gì. Tôi thương Hà Lan đến nát ruột. Và tôi cũng chửi thầm nó tơi bời. Nó ngốc nghếch hệt như cô bé quàng đỏ. Nó bị con sói đánh lừa mà chẳng biết. Nó cứ tưởng con sói là bà ngoại.
Hà Lan nghỉ học khi chỉ còn ba tháng nữa là đến hè. Nó có mang. Tin đó khiến tôi đau xót hơn là ngạc nhiên. Từ lâu, tôi đã phấp phỏng, lo lắng. Tôi sợ điều không hay sẽ xảy đến cho Hà Lan. Bây giờ, nó đến, sớm hơn tôi nghĩ. Nó đến khi năm học chưa kết thúc, thật ngặt nghèo.
Tôi biết được điều đó không phải do Hà Lan. Hà Lan tâm sự với tôi đủ chuyện, trừ chuyện đó. Hai tháng gần đây, nó trốn biệt. Tôi thấy lo lo, liền đi tìm. Tôi đạp xe đến trước cổng trường Nữ đứng đợi suốt ba buổi chiều liền, không thấy nó. Hà Lan biến mất khỏi dòng sông áo trắng khiến lòng tôi lửa đốt.
Tôi chạy đến nhà bà cô và bắt gặp Hà Lan ngồi lặng thầm trong phòng khách. Vẻ xanh xao trên gương mặt nó khiến tôi kinh hãi. Tôi hỏi, nó bảo bịnh. Tôi hỏi bịnh gì, nó bảo cúm. Tôi liền phóng xe đến hiệu thuốc Thanh Lâm của cậu Huấn, kêu nhỏ Mai bán cho tôi mấy vỉ aspirin.
Tôi đưa thuốc, Hà Lan không lấy. Nó bảo có rồi. Tôi nhét mấy vỉ thuốc vào tay nó, dịu dàng nói:
- Hà Lan cứ cầm lấy! Có rồi thì để dành!
Nói xong, tôi về. Hà Lan tiễn tôi ra cửa bằng ánh mắt bối rối. Nó chẳng nói gì, chỉ cười. Một nụ buồn. Lúc đó, tôi nghĩ: tại bịnh đó thôi!
Ba hôm sau, tôi lại ghé. Hà Lan vẫn còn xanh. Một tuần sau, cũng vậy. Nó cứ xanh hoài hoài.
Tôi không giấu được lo âu:
- Hay là Hà Lan đến bệnh viện thử coi!
Hà Lan lắc đầu. Và khóc. Tiếng nức nở của nó khiến lòng tôi quặn thắt. Nhưng tôi chẳng hiểu gì. Tôi hỏi gì, Hà Lan cũng chẳng nói. Tôi chỉ biết đứng nhìn nó sụt sùi và đoán mò, chắc nó lại buồn thằng Dũng bỏ bê.
Tôi về, hỏi Dũng:
- Hà Lan bịnh, anh có biết không?
- Biết! – Dũng đáp cộc lốc, vẻ khó chịu.
Tôi phớt lờ, hỏi tiếp:
- Anh đến thăm Hà Lan chưa?
Dũng nhăn mặt:
- Chuyện của tao, mày hỏi làm gì?
Dũng lại giở cái giọng trịnh thượng hôm nào. Tôi nổi khùng:
- Hỏi để biết!
Dũng liếc tôi, mặt đanh lại:
- Mày chẳng cần biết ba chuyện đó!
Nói xong, nó quay lưng bỏ ra khỏi phòng. Nó không thèm nói chuyện với tôi. Nếu như trước đây, tôi đã chặn nó lại, và hỏi cho ra lẽ. Nếu cần, tôi sẵn sàng đánh nhau. Những cú đòn của nó khủng khiếp thật, nhưng chẳng thể khiến tôi lùi bước. Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ, tôi mặc xác. Bây giờ tôi biết nó là loại người không thể nói chuyện.
Tôi chẳng buồn gây sự với Dũng. Nhưng nhìn nó vừa lừ lừ ra cửa vừa nhăn nhở hát “thôi, em đừng khóc, đừng khóc nữa làm gì…”, tôi lại chạnh lòng nghĩ tới Hà Lan và bụng bỗng tức sôi lên. Nếu có một hòn đá trên tay, tôi sẽ không ngần ngại ném vào lưng nó. Tôi sẽ ném thật mạnh.
***
Trước sau, Hà Lan vẫn câm như thóc.
Thái độ của nó khiến tôi nghi ngờ. Biết không thể dò hỏi nó được, tôi khai thác bà cô. Thoạt đầu, cô Hà Lan định giấu, sau biết tôi sắp về làng, cô sợ làm lộ chuyện, bè kể thật tất cả.
Tôi ngồi nghe, mắt mờ đi, mồ hôi chảy thành dòng.
Kể xong, cô dặn:
- Về làng, cháu đừng nói gì với ai nghen!
Tôi gật đầu.
Cô lại nói:
- Mẹ Hà Lan có hỏi, cháu nói là Hà Lan vẫn đi học bình thường nghen!
Tôi băn khoăn:
- Làm sao giấu mẹ Hà Lan được? Trước sau gì bác ấy chẳng biết!
- Chuyện ấy để cô lo. Cô sẽ tìm cách nói chuyện với mẹ Hà Lan sau.
Tôi chẳng thắc mắc nữa, mà ngồi im.
Nỗi buồn cao như núi, kéo về án ngữ trái tim tôi. Nỗi buồn như dòng nhạc Ngô Thụy Miên chảy ngập lòng tôi:
Dù mai đây
Ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em
Em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước nghìn lời
Có trách một đời
Cũng đã muộn rồi, tình ơi!
Dù sao, dù sao đi nữa
Xin vẫn yêu em…
Có phải niệm khúc cuối đấy không, mà sao Hà Lan xé nát tim tôi, tôi vẫn yêu nó vô bờ? Mà sao, dẫu trách nó một đời, trước hôm về thăm làng, tôi vẫn đến tìm nó? Tôi ngồi bên cạnh Hà Lan suốt một buổi chiều, an ủi nó bằng sự thinh lặng dịu dàng và chia sẻ. Tôi mong sự cảm thông của tôi sẽ giúp nó đỡ phần nào trống vắng. Tôi muốn làm ngọn
thu phong biết mấy, để thổi tan đi bóng mây u ám đang bắt đầu sẫm màu trong mắt biếc kia! Dù sao, Hà Lan có biết không, dù sao đi nữa… Tôi buồn bã nói thầm, và chỉ có buổi chiều nghe thấy.
***
Hà Lan bảo tôi Dũng sẽ cưới nó. Dũng hứa như vậy. Tôi chẳng biết tôi có mong như vậy không, nhưng khi nghe tin đó, lòng tôi nhẹ nhõm.
Mười bảy tuổi với đứa con trong bụng, Hà Lan dại dột quá chừng. Dù sao, nếu Dũng làm đám cưới, cuộc đời Hà Lan khỏi lâm vào cảnh dở dang. Tôi mừng cho nó. Dẫu rằng ngày vui của nó hẳn sẽ để buồn cho tôi, buồn chết được!
Tôi ngậm ngùi hỏi:
- Chừng nào đám cưới?
Hà Lan đáp, nó nhìn xuống đất:
- Anh Dũng bảo đợi thi tú tài xong.
Hà Lan nói vậy, tôi biết vậy. Tôi không hỏi Dũng, sợ nó tự ái. Nó nổi khùng lên là hỏng chuyện. Trong thời gian đó, tôi cố tỏ ra dịu dàng với nó. Tôi làm như tôi không biết gì hết.
Với ba mẹ Hà Lan, lại khác. Hai người đã biết chuyện, tôi không thể giả ngây. Mỗi lần về làng, ghé chơi, lòng tôi nơm nớp. Ba Hà Lan chẳng nói gì. Vẫn như dạo nào, đôi mắt đẹp của ông thường xuyên hướng lên bầu trời, dõi theo những tia nắng và những đ am mây. Ông nghĩ ngợi về thời tiết và mùa màng. Ông chẳng hỏi thăm về Hà Lan một tiếng nào nhưng tôi đọc thấy trong mắt ông nỗi buồn thăm thẳm. Ông buồn như đá, khắc khổ và thinh lặng. Đâu phải tự nhiên ông là người duy nhất trong dòng họ dành trọn đời mình cho làng núi Đo Đo. Tôi liếc ông, lòng bỗng dưng xao xuyến, khôn cùng.
Cũng như chồng, mẹ Hà Lan ra vào lặng lẽ. Bát canh thiên lý tôi ăn đã chẳng còn ngon miệng. Chiếc mâm gỗ tròn nằm ngơ ngác giữa trưa im. Tôi ngồi xếp bằng trên phản, lóng ngóng, vụng về.
Bất giác, mẹ Hà Lan buộc miệng nói:
- Hà Lan ra thành phô, chẳng quen biết ai. Cháu thân nhất, sao chẳng bảo nó?
Câu nói nửa than, nửa trách, buồn hiu hắt. Chẳng biết trả lời sao, tôi ngồi im ngó ra cửa. Trưa dội nắng xuống giàn hoa thiên lý, ánh lên màu lá biếc, và rụng xuống mặt sân những giọt vàng lốm cốm. Tôi chạnh nhớ đến trưa nào, tôi và Hà Lan ngồi chơi ô quan trước sân, trên vai áo cũng nắng vàng vương vãi, chẳng nghĩ dòng đời sẽ có khúc sông quanh.
Trong khi tôi đang ngẩn ngơ với rộn ràng xưa cũ, mẹ Hà Lan chợt chép miệng nói:
- Nhưng bác chỉ nói vậy thôi,cháu làm sao bảo nó được! Bác bảo, nó còn chẳng nghe!
Rồi bà hạ giọng thì thầm, như nói với chính mình:
- Nó chẳng giống ông ấy! Nó rời làng như cây bật rễ, biết bám vào đâu! Rồi nó sẽ khổ suốt đời!
Câu nói như gió thoảng khiến tôi bất giác rùng mình. Và trong một thoáng, tôi bỗng nhớ đến bà tôi. Hồi còn sống, lần đầu tiên để ý đến Hà Lan, bà đã nói “đời nó sẽ khổ”. Lúc đó, tôi chẳng buồn quan tâm đến sự tiên đoán của bà. Bây giờ tôi mới hiểu, cũng như tôi hiểu vì sao bà mong tôi cưới Hà Lan làm vợ. Tôi cưới Hà Lan, đời nó sẽ tránh được bao nhiêu chông gai rắc rối. Cưới nó, tôi vừa là “rể” lại vừa là “rễ”, tôi làm sợi dây nối nó với đất đai nguồn cội dẫu cuộc đời có thổi dạt nó đi đâu. Chẳng ai ngờ mọi chuyện lại xảy ra quá nhanh, sợi dây chưa kịp buộc vào đã đứt tung như đàn tôi sáu sợi. Nỗi mong mỏi của bà vùi xuống đất sâu.
Tôi vẫn lặng thinh ngồi nhìn ra sân nắng. Thấy tôi buông đũa ngừng ăn, mẹ Hà Lan cũng chẳng giục giã gì. Bà cũng nhìn ra sân, nhưng tôi chắc ánh mắt u hoài của bà chẳng trông thấy cỏ cây hoa lá ngoài kia. Nỗi buồn kín đáo và sức chịu đựng phi thường của bà khiến tôi xúc động và cảm phục vô cùng. Độ lượng, kiên nhẫn, dịu dàng, bà là người mẹ thương con và khổ vì con. Bà giống tôi, bề ngoài có vẻ chậm chạp, lẩm cẩm nhưng tâm hồn lại cực kỳ sâu sắc và nhân ái. Chỉ tiếc là Hà Lan không hiểu bà. Nó đã tự đánh mất một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Nó như chú chim non nóng lòng rời tổ, mải mê bay theo muôn tía nghìn hồng, không biết cuộc đời lắm kẻ giương cung.
***
Mùa hè năm đó không phải là mùa hè của tôi. Mùa he của tôi không bao giờ về nữa. Từ ngày Hà Lan nghỉ học, nó đã bỏ đi luôn. Nó ra đi, mang theo hy vọng, lấy hết ước mơ, hành trang giã từ chỉ để lại cho tôi mấy trang sách luyện thi tú tài khô không khốc.
Tôi vùi đầu vào tập, dặn lòng thôi mơ tưởng vẩn vơ, thôi nhớ về vơ vẩn. Tôi dặn lòng tôi, rớt là vô lính, cầm súng ra chiến trường không biết chết cho ai. Tôi đóng chặt cửa, ngồi nhà, tụng bài như cầu nguyện. Cho đến ngày đi thi, tôi không dám bước ra sân, tôi sợ trông thấy màu hoa phượng. Màu phượng đỏ sẽ đốt cháy lòng tôi tức khắc, trái tim ra tro, tôi đâu thể học bài. Tôi cũng không dám đụng đến cây đàn, sợ xưa cũ vọng về không sao ngăn nổi:
Lặng lẽ chiều nay
Lặng lẽ mùa hè
Sân trường vắng
Và lòng tôi cũng vắng
Muốn tặng em
Một chùm phượng thắm
Tôi nhờ mùa hè
Bẻ hộ tôi…
Cành phượng vĩ tôi muốn tặng Hà Lan, mùa hè bao lần không bẻ được, tôi còn ngước nhìn phượng đỏ làm chi.
Thốt nhiên, tôi nhớ đến T.T.KH. Người yêu bà đứng dưới bóng hoa ti-gôn, vuốt tóc bà và nói:
… Hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!
Làng tôi không có hoa ti-gôn, chỉ có hoa phượng. Hoa phượng cũng đỏ tươi, cũng giống như tim vỡ. Tình tôi đã vỡ rồi, tôi chẳng sợ. Tôi chỉ sợ tim tôi có mệnh hệ nào, tôi sẽ đi theo bà tôi, đi theo chú Hoan. Tôi sẽ ngủ, ngủ hoài. Tôi sẽ nằm một mình dưới đất sâu, đêm đêm nghe côn trùng rả rích. Nghĩ vậy, tôi hãi quá, ở luôn trong nhà.
Tôi chỉ rời nhà ban đêm. Ban đêm chẳng thấy màu phượng đỏ, lòng tôi đỡ xốn xang. Tôi đi tắm dưới giếng cây Duối chỉ có trăng treo.
***
Tôi đậu tú tài năm đó, hạng bình, thuộc loại khá. Dũng rớt, chờ đi quân trường. Nó trốn quân dịch đã ba lần, lần này khó thoát.
Dũng đi, tôi cũng đi. Tôi định vào Quy Nhơn, học sư phạm, mai mốt về làng dạy học. Ba tôi muốn tôi học tiếp lớp mười hai, sang năm thi vào đại học nhưng tôi tìm mọi cách thoái thác. Mẹ tôi chẳng có ý kiến gì rõ rệt, nghe tôi định trở về làng, ở cạnh mẹ, mẹ thích lắm.
Trước ngày lên đường, tôi ghé Hà Lan. Nó có mang đã gần năm tháng, suốt ngày mặc áo bầu rộng thùng thình. Nghe tôi sắp đi xa, nó buồn thiu. Nó nói:
- Ngạn đi rồi, Hà Lan không biết trò chuyện với ai.
Vừa nói, Hà Lan vừa nhìn tôi. Ánh mắt thăm thẳm của nó gợi nhớ biết bao điều, kỷ niệm chợt về vây bọc. Tôi xao xuyến khôn tả, vội nhìn ra sân, khẽ nói:
- Tôi ở xa nhưng lúc nào cũng nghĩ đến Hà Lan. Khi nào cần, Hà Lan cứ viết thư cho tôi.
Hà Lan chẳng nói gì, nó lặng lẽ gật đầu. Tôi cũng ngồi im và cảm thấy không khí đột nhiên nặng nề. Tôi cố nói một câu gì đó nhưng nghĩ mãi không ra, cứ lúng túng một cách khổ sở. Xét cho cùng, tôi với Hà Lan chẳng ra bạn bè, chẳng phải anh em, cũng chẳng phải tình nhân. Tôi từ giã nó như từ giã một mối tình đổ vỡ, từ giã một lần để mãi mãi chia tay. Sắp có chồng, sắp có con, Hà Lan trong trái tim tôi vẫn muôn đời là giấc mơ tuổi nhỏ. Nó chỉ là bóng hình trong cổ tích của bà xưa.
Trước lúc ra về, tôi nhìn Hà Lan, băn khoăn hỏi:
- Còn chuyện đám cưới, Dũng tính sao?
Hà Lan chớp mắt, giọng bối rối:
- Ảnh bảo đợi học xong chín tháng quân trường.
Tôi giật mình nhủ bụng, như vậy đám cưới được tổ chức khi đứa bé đã được năm, sáu tháng tuổi, thật bất tiện. Sao Dũng không làm đám cưới ngay bây giờ?
Bữa đó tôi về, lòng không vui.
Chương 8
Tôi tới Quy Nhơn như tới một thế giới mới. Con trai núi về thành phố biển, chuyến hành hương tuyệt vời của con cháu Âu Cơ về xứ sở Lạc Long Quân gió cát đã giúp tôi nguôi nỗi đau phượng vĩ.
Những ngày xa cách, lòng tôi trầm lại và tôi thương Hà Lan nhiều hơn. Số phận nó rốt lại chẳng sung sướng gì. Lúc nào cũng lo âu, lúc nào cũng phiền muộn, nó như tổ chim chào mào trên lũy tre sau hè nhà nó trong những ngày bão lớn, luôn phập phồng sợ gió cuốn bay đi. Bây giờ tôi chỉ mong Hà Lan tìm thấy hạnh phúc trong đám cưới trễ tràng. Tôi cũng mong hai năm sư phạm chóng qua để tôi sớm trở về làng rừng sim hoa tím của tôi xưa. Qui Nhơn trở thành những ngày tháng đợi mong.
Lá thư đầu tiên Hà Lan gửi cho tôi là lá thư báo tin vui. Lá thư khá vắn tắt. Nó cho biết nó vừa sinh con gái, đặt tên là Trà Long, thế thôi, ngoài ra chẳng nói thêm chuyện gì khác. Tôi viết thư về thăm hỏi sức khỏe hai mẹ con, Hà Lan cũng chỉ trả lời qua quít: mẹ khỏe con khỏẹ Nhưng đối với tôi, vậy là vui rồi. Từ nay, Hà Lan sẽ không còn cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà mênh mông của bà cô giàu có. Nó sẽ không còn thấy lẻ loi, trống vắng trong những ngày dằng dặc đợi Dũng về. Trà Long, cháu làm ngọn lửa sưởi ấm lòng mẹ cháu, có phải không?
Trong những lá thư tiếp theo, tôi cũng chỉ thăm hỏi hai mẹ con. Tôi không đả động gì đến Dũng, mặc dù tôi rất muốn biết thái độ của Dũng trước tin Trà Long ra đời cũng như dự định của nó về đám cưới ra sao. Hà Lan cũng không nhắc đến Dũng một lời. Nó cố ý phớt lờ, giống như tôi.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, giấc ngủ tôi đêm đêm thơm nồng vị biển. Trong giấc mơ, tôi thấy thơm nồng vị biển. Trong giấc mơ, tôi thấy Hà Lan dắt bé Trà Long vào Qui Nhơn thăm tôi, hai mẹ con chạy nhảy trên ghềnh đá nhấp nhô, đùa giỡn cùng sóng nước. Cũng như trong những lá thư của tôi, trong giấc mơ tôi không có Dũng. Nó biến đâu mất.
Nhưng đó là giấc mơ. Trong thực tế, kết thúc thời gian huấn luyện tại quân trường, Dũng trở về.
Dũng trở về, làm đám cưới, Hà Lan báo tin cho tôi trong một lá thư đầy nước mắt, không phải cưới Hà Lan, mà cưới… Bích Hoàng, cô gái Dũng đã từng bỉu môi nhận xét “chỉ được cái mẽ ngoài, chán bỏ xừ”. Hà Lan chỉ báo như vậy, không bình luận gì thêm. Nhưng tôi biết, trái tim nó đang tan ra từng mảnh.
Tôi đọc đi đọc lại lá thư hàng chục lần, vẫn không hiểu sao mọi chuyện lại như vậy. Tôi như kẻ mộng du trôi bồng bềnh giữa vùng khói sương hư thực, lòng trải qua muôn ngàn cảm giác khác nhau, bàng hoàng, sửng sốt, phẫn nộ, điên cuồng và cuối cùng là nỗi mệt mỏi bao trùm.
Tôi xé vụn lá thư, vo tròn, ném qua cửa sổ rồi uể oải đứng lên đi về phía biển. Tôi ôm theo cây đàn như ôm người bạn nhỏ. Bây giờ chỉ có mày chia sẻ cùng tao!
Ngồi trên ghềnh đá, sóng bủa mịt mù, tay tôi lướt trên phím đàn, và tôi nghe tiếng lòng tôi vọng về cố quận:
Từ thời xa xửa xa xưa nào
Em tôi đã yêu ai
Đã vô cùng hạnh phúc và vô cùng khổ đau
Để rồi trong buổi chiều ảm đạm nào
Em tôi đã nhìn thấy tình yêu
Như vết chém
Rời bỏ khoảng trời xanh mơ mộng
Trái tim em tôi đã trở về
Nằm ốm trong lồng ngực
Tiếng thở dài như mũi tên rung.
Ở phương trời xa, Hà Lan mấy tiếng thở dài sao trái tim tôi bồi hồi đến vậy. Tôi nhớ em và tôi lại thương em. Ngày mai tôi sẽ vội vã đón xe về. Lúc này, em cần có tôi bên cạnh, nương tựa, sẻ chia. Sức em có là bao, tôi không nỡ để mình em gánh nặng. Không có bờ vai tôi, em lấy đâu chỗ gục đầu để khóc vùi như mưa bấc, dẫu em khóc người tình, nước mắt em cháy nám trái tim tôi, cường toan không sánh nổi.
Tôi thẫn thờ ngồi trên bãi biển suốt cả buổi chiều, cho đến lúc thủy triều lên. Biển Qui Nhơn những ngày này sấm động. Biển có biết gì không?
***
Tôi về lại Đo Đo làm ông giáo làng. Tôi dạy ở trường tiểu học năm nào và trở thành đồng nghiệp của cô Thung và của các thầy cô trước đây từng dạy dỗ tôi. Các thầy cô cũ thấy tôi về, mừng lắm. Hôm đầu tiên, cô Thung nhìn sững tôi và kêu lên mừng rỡ:
- Ôi, thầy Ngạn đó hả? Trông thầy khác hồi nhỏ dữ a!
Cách xưng hô của cô Thung khiến tôi ngượng đỏ mặt. Tôi bối rối nói:
- Cô đừng gọi em là thầy! Cô cứ kêu em bằng em như hồi xưa! – Bỗng dưng tôi nhớ tới kỷ niệm ngày nào và buộc miệng – Hồi xưa em vẫn thường tranh nhau đi… rót nước cho cô!
Cô Thung mỉm cười:
- Chuyện cũ, thầy nhắc làm chi! Hồi xưa khác, bây giờ khác! Hồi xưa thầy đi học, còn bây giờ thầy đi dạy, làm sao tôi kêu thầy bằng em được!
Trước lý lẽ cứng nhắc của cô, tôi đành xuống nước:
- Vậy thôi, cô kêu em bằng tên! Cô đừng kêu bằng thầy, em áy náy lắm!
Cô Thung suy nghĩ một lát rồi gật gù:
- Vậy cũng được! Tôi sẽ kêu Ngạn là Ngạn!
Tôi mừng quýnh. Từ đó, các thầy cô trong trường đều bắt chước cô Thung, gọi tôi bằng tên. Tôi là cái thằng Ngạn ngày xưa, trùm đánh nhau, chúa bị phạt, bữa nào đi học về cũng rách quần rách áo, bươu cổ u đầu, nay đi học mấy năm về, tự nhiên được xếp ngang hàng với thầy cô kính mến ngày xưa, tôi đâu dám.
Tôi nhớ chuyện ông Các-nô ngày xưa, làm tới đại tướng, về làng không quên ghé thăm thầy cũ. Thầy giáo già đang dạy học trò, thình lình thấy một ông tướng oai vệ bước vào, cầu vai sáng lóe, vội vã nghiêm chào. Ông tướng liền ngả nón, vòng tay kính cẩn: “Thưa thầy, con là học trò Các-nô ngày xưa đây ạ!”. Tôi cũng vậy. Tôi là trò Ngạn ngày xưa. Bên cạnh các thầy cô thuở thiếu thời, tôi luôn luôn là chú học trò nhỏ. Chú học trò ấy, bây giờ mới qua tuổi hai mươi.
***
Khi tôi về làng, trường tiểu học đã mở thêm lớp một. Lớp một hút gần hết trẻ con trường thầy Phu. Học trò loe hoe, thầy dạy nấn ná thêm một thời gian, rồi đóng cửa trường. Dù sao, thầy cũng đã già, sức khỏe không còn được như xưa. Bây giờ thầy ngồi nhà dạy kèm dăm ba đứa trẻ, sống qua ngày.
Hôm tôi ghé thăm, thầy Phu không nhận ra tôi. Tôi xưng tên, thầy mới nhớ. Thầy kéo chiếc kính lão xệ xuống sống mũi, nhìn tôi trân trân, giọng xúc động:
- Ngạn đấy ư? Em về từ?ôm nào?
Tôi nhìn nụ cười lấp lánh những chiếc răng vàng của thầy, lòng bồi hồi khôn tả. Ngày xưa, ngày xưa bỗng hiện về. Sao tôi cứ nhớ mãi ngày xưa?
- Thưa thầy, em mới về! – Tôi đáp khẽ.
Thầy đặt tay lên vai tôi:
- Em về chơi được bao lâu?
Tôi chớp mắt:
- Thưa thầy, em về luôn. Em về dạy ở trường tiểu học làng mình.
Nghe vậy thầy vui vẻ hẳn lên:
- Hay lắm, em chọn nghề dạy học! Đó là một nghề khó nhọc nhưng cao quí em ạ!
Tôi dạ khẽ. Thầy lại gật gù:
- Nghe em về dạy học ở làng, thầy rất ngạc nhiên. Khi trưởng thành, không phải ai cũng quay về chốn cũ. Làng quê mình sỏi đá nhiều hơn thóc gạo, nghèo khó muôn đời!
Giọng thầy bâng khuâng nghe buồn da diết. Lúc mới vào nhà, không thấy chị Hạnh và thằng Hòa đâu, tôi định hỏi. Bây giờ, nghe thầy nói vậy, tôi không hỏi nữa. Hai người con thầy hẳn đã đi lập nghiệp phương xa. Tự nhiên tôi nhìn thầy thương cảm. Sống cô quạnh giữa xế chiều của cuộc đời, thầy đã mất đi vẻ quắc thước, nghiêm nghị ngày nào. Trước mặt tôi chỉ là một tuổi già thui thủi, cuối đời ngồi lần đếm tháng ngày qua.
Khi chào thầy quay ra, tôi không giấu nổi tiếng thở dài, ngậm ngùi, u uẩn.
***
Tôi đến chơi nhà Hà Lan khá thường xuyên. Bây giờ trong căn nhà phên tre mái lá ấy có thêm một nhân vật mới: Trà Long.
Khi Trà Long được một tuổi rưỡi thì Hà Lan gửi nó về ở với ông bà ngoại. Được bà cô cấp vốn mở tiệm may, Hà Lan bận bù đầu. Vừa đi học may, vừa chạy thuê nhà, lại phải lo chiêu mộ thầy thợ, Hà Lan không có thì giờ chăm sóc Trà Long, đành giao cho bà ngoại.
Lúc tôi về, Trà Long đã gần hai tuổi. Nó giống hệt mẹ, xinh xắn, dễ thương, đôi mắt đẹp di truyền ba thế hệ. Nhờ có nó bi bô suốt ngày, căn nhà đỡ trống vắng. Mẹ Hà Lan hẳn đã vùi xuống đáy lòng nỗi khổ tâm năm nào. Mỗi lần đến chơi, bao giờ tôi cũng bắt gặp bà vui vẻ đùa giỡn với cháu.
Tôi trở thành người bạn trai đầu đời của Trà Long, như trước đây bà tôi đã từng là bạn gái của tôi. Ba Hà Lan ít khi nựng cháu, ông có những mối quan tâm riêng. Thương Trà Long, ông chỉ biểu lộ tình cảm của mình bằng ánh mắt âu yếm thầm lặng. Thường thường, ông chọc cho nó cười và trong khi nó cười chưa dứt, ông bỏ ra sau hè với chiếc liềm hoặc những bó mạ trên tay.
Tôi thương Trà Long với một tình thương đặc biệt. Nó là hóa thân nhỏ bé bỏng của Hà Lan. Nó là sự nối dài số phận không may của mẹ nó. Ngay từ lúc lọt lòng, nó đã là đứa trẻ không cha và mới hơn một tuổi đã sớm rời khỏi vòng tay mẹ. Ngôi sao bản mệnh của cháu nằm lẩn khuất nơi đâu giữa bầu trời thăm thẳm, đêm đêm chú mỏi mắt dò tìm sao chẳng thấy? Cứ mỗi lần ngồi lặng ngắm Trà Long dạo chơi quanh quẩn bên bộ ván, lòng tôi không khỏi bâng khuâng.
Trà Long khoái cỡi ngựa, tôi chỏi hai tay hai chân, nằm bẹp xuống nền nhà, bò loanh quanh cho nó ngồi ngất ngưỡng trên lưng. Trà Long khoái xem trò, tôi lấy nhọ nồi bôi đầy mặt, giả làm khỉ, làm cọp, làm mèo. Tôi gầm gừ, tôi kêu meo meo, khọt khẹt, nó thích lắm, cười ngặt nghẽo.
Trà Long đòi đi chơi, tôi cõng nó trên lưng, dạo khắp làng. Ban đêm, tôi cõng nó ra chợ, rảo khắp các hàng quán, mua cho nó những con thú sặc sỡ bằng bột để sung sướng nhìn nó nắm khư khư như những con thú trong tay với vẻ mặt thích thú.
Hôm nào, bọn người bán thuốc dạo ghé làng, hai chú cháu lại chen chúc giữa vòng tròn người bao quanh gốc bàng già giữa chợ, mải mê xem những trò biểu diễn kỳ quặc và đầy xúc cảm. Những lần như vậy, khi rời khỏi chợ bao giờ Trà Long cũng ngoẹo cổ ngủ trên vai tôi tự hồi nào. Những lúc ấy, tôi cố đi thật chậm, sợ Trà Long thức giấc và trong khi thận trọng đếm từng bước chân, tôi lại nhớ Hà Lan ray rứt.
***
Lần trước tôi về, Dũng và Bích Hoàng đã cưới nhau được mười ngày. Gặp tôi, Hà Lan khóc như mưa, người tôi ướt đẫm. Quê tôi lắm bão lụt, lần này tôi về ngồi bên cho nước mắt em dâng ngập lòng tôi.
Nước mắt dẫu đầy như biển khơi, khóc hoài cũng hết. Khóc một hồi, Hà Lan thôi nức nở, ngồi ngó tôi. Tôi nhìn nó, không nói một lời. Tôi thấy buổi chiều đang dâng lên trong mắt biếc kia. Tôi thấy hồn nó lặng thinh, câm nín.
Lần đó, tôi ở nhà bà cô Hà Lan suốt ba ngày. Bấy giờ sự sang trọng hay nghèo hèn đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi chỉ muốn Hà Lan thôi sầu tủi. Tôi không thể ở nhà cậu Huấn, dù Dũng không có nhà. Nó và Bích Hoàng đã tếch đi Đà Lạt. Tôi cũng không thể ở nhà chị Nhường. Chị lải nhải suốt ngày khiến tôi phát điên:
- Sao Ngạn không về sớm dự đám cưới anh Dũng? Đám cưới lớn lắm!
Trong ba ngày ít ỏi sống bên nhau đó, tôi và Hà Lan không nhắc đến Dũng một lời. Chúng tôi đùa giỡn với bé Trà Long. Tôi đưa hai mẹ con đi chơi đây đó cho khuây khỏa. Chúng tôi chỉ nói với nhau về chuyện học tập, về những dự định tương lai. Tất cả chỉ có thế, cho đến ngày tôi trở lại Qui Nhơn. Trước lúc chia tay, tôi chỉ nói mỗi một câu:
- Hà Lan hãy cố gắng! Hãy nghĩ đến Trà Long!
Hà Lan gật đầu, đôi mắt u buồn vương vấn. Nó không tiễn tôi ra bến xe. Nó chỉ đứng tựa cửa trông theo. Mười tám tuổi, nó đã lâm vào nghịch cảnh, tôi vừa giận lại vừa thương nó, bữa ra đi cứ dục dặc dùng dằng.
Cho đến lúc ra trường, tôi không về lại thành phố thêm một lần nào. Tôi ở xa, gửi thư thăm hỏi. Hà Lan trả lời, thư có thư không, những trang giấy đã thôi nhòe nước mắt. Điều đó giúp tôi yên tâm học tập. Tôi ở Qui Nhơn, đêm nằm nghe tiếng biển, trong cơn mơ tôi thấy tôi trở về cố xứ, dạy
học trò.
Một năm sau, tôi về thật. Tôi về giữa mùa phượng vĩ, bỏ lại sau lưng hai năm lủi thủi học hành. Tôi ghé thăm Hà Lan, không thấy Trà Long đâu. Tôi hỏi, nó bảo nó gửi Trà Long về ngoại. Những ngày này, Hà Lan tất bật. Ngược xuôi chuẩn bị cho việc mở tiệm may, nó không có thì giờ lo cho con. Nó cũng không có thì giờ trò chuyện với tôi. Tôi ở xa về, ôm trong lòng hai năm thương nhớ mà chẳng thể giãi bày. Tôi đạp xe ra ngoại ô, một mình một bóng, ngồi lặng lẽ bên chân cầu năm nào nhìn nước chảy, thấy tình mình cuốn trôi đi.
Nhưng tôi không trách Hà Lan. Nó quên nỗi buồn, nó vượt qua hoàn cảnh éo le để vui cùng công việc, tôi mừng cho nó. Những bóng mây thôi giăng mờ mắt biếc, thương một người, tôi còn mong mỏi gì hơn!
***
Làng Đo Đo không có gì thay đổi. Hôm tôi về, những trái duối chín vàng bên thềm giếng năm xưa, hàng dâm bụt trước nhà lão Tứ hớt tóc vẫn đỏ rực phía đầu làng.
Tôi đi qua chợ, những chiếc sạp chỏng chơ đang đứng nép vào nhau chờ đêm xuống. Giữa chợ, những đứa trẻ thò lò mũi xanh đang chia phe đánh nhau và đuổi quanh gốc bàng, miệng la chí chóe. Tự nhiên tôi cảm thấy bồi hồi. Tôi bắt gặp hình ảnh tuổi thơ tôi ngày trước.
Tuổi thơ thương nhớ ấy có mình tôi về lại. Bạn bè xưa tản mác nơi đâu, chỉ còn lại lèo tèo dăm ba đứa. Bạn gái lại càng mất hút. Con gái quê tôi cứ đến tuổi đôi mươi không hẹn mà cùng biệt ly quê xứ. Họ đi tìm lục biếc ở xa xăm, tiết thanh minh mới rủ nhau về tảo mộ.
Thời niên thiếu rộn ràng kỷ niệm, cùng đi với tôi có những ai mà chẳng có lấy một người về. Cô Thịnh sau khi thi đỗ tú tài hai, ở luôn ngoài thành phố. Cô bỏ đại học, xin vào làm ở ngành ngân hàng, chuẩn bị lấy chồng. Chị Quyên, đứa con gan góc, hiếm hoi của quê núi, cũng bỏ đi sau tám năm dài phụ gia đình buôn bán. Chị ra thành phố cùng chị Nhường coi tiệm vải. Hẳn chị chẳng còn là chị Quyên của tôi xưa.
Tôi chẳng muốn nhắc đến Hà Lan. Hà Lan đã xa cách quê làng ngay từ khi vừa giã từ trường huyện. Hoa chưa trôi, lòng của nó đã sớm bèo dạt, những bản tình ca của tôi chẳng níu giữ được gì. Nhưng chẳng hiểu sao, nó xa tôi mà lòng tôi không thể nào xa nó. Mỗi chiều, nghe tiếng trống tan trường vang lên rộn rã ngoài hiên, tôi lại thẫn thờ nhớ về Hà Lan da diết. Ngày nào giành nhau đánh trống, tôi chảy máu mũi ròng ròng phải nằm ngửa đầu ngắm diều bay cho Hà Lan nhét lá, ngày nào sao như mới hôm qua!
***
Dù sao tôi cũng còn có mẹ. Mẹ tôi bảo tôi lấy vợ. Tôi lắc đầu nói chờ vài năm nữa. Những lúc đó, mẹ tôi thở dài. Mẹ thở dài mà mẹ có biết gì không? Mẹ giận tôi thì tôi đành chịu. Lòng tôi xốn xang nhưng tình trong đâu thể riêng ngoài, mẹ chẳng giống bà, tôi đâu dám nói.
Bên cạnh mẹ, tôi còn có Trà Long. Ngày nào tôi cũng xuống chơi với nó. Thấy tôi đến, nó rất mừng. Mỗi lần đến, tôi đều đem phấn cho nó. Nó cầm phấn vẽ nguệch ngoạc đầy nền nhà khiến sau đó tôi phải chùi toát mồ hôi. Nó còn bày ra lắm trò nghịch ngợm khác nữa. Có lần thấy tôi nướng khoai, nó bắt chước cho tay vào bếp trấu, phồng rộp cả da, báo hại tôi phải kiếm mật ong xức suốt một tuần.
Trà Long thông minh, hiếu động nhưng thể chất không được khỏe. Nó ốm luôn. Cùng với mẹ Hà Lan, tôi đã thức suốt bao đêm bên cạnh giường nó, lòng thắt lại vì lo âu. Khi ốm, Trà Long trông yếu ớt vô cùng, tay chân không nhúc nhích nổi. Vậy mà, vừa khỏe dậy, nó đã chạy nhảy tung tăng và nói líu lo như sáo. Mãi đến năm, sáu tuổi Trà Long mới hết ốm vặt.
Thỉnh thoảng, tôi dẫn Trà Long ra thành phố thăm Hà Lan. Được đi chơi xa, Trà Long thích lắm. Ngồi trên xe đò, nó hỏi tôi hết câu này đến câu khác, có lắm câu tôi không trả lời được. Sau mỗi chuyến đi, bao giờ nó cũng thủ thỉ với tôi:
-Mai mốt chú Ngạn dẫn Trà Long ra thành phố chơi nữa nghen!
Trà Long đòi ra thành phố vì nó thích đi chơi. Nó tỏ ra không quyến luyến Hà Lan mấy. Mỗi lần Trà Long ra thăm, Hà Lan đều mua cho con vô số đồ chơi và kẹo bánh, toàn thứ đắt tiền. Nhưng Trà Long thường tỏ vẻ hờ hững trước các món quà hấp dẫn của mẹ. Nó chỉ vòi vĩnh:
-Mẹ về ở với con đi!
Trước đòi hỏi của con, Hà Lan chỉ biết cười trừ. Từ lâu Hà Lan đã không thể xa thành phố. Đã nhiều lần, nó muốn đem Trà Long ra ở với mình nhưng Trà Long giẫy nẩy không chịu. Hai mẹ con đành phải mỗi người một nơi. Tôi làm chiếc cầu, dẫn Trà Long đi đi về về, lòng chẳng vui nhưng không làm sao khác được.
Mỗi lần dẫn Trà Long ra chơi, tôi ít trò chuyện với Hà Lan. Nhưng tôi không giấu được lòng mình. Ánh mắt tôi đã nói bao điều thầm kín. Hà Lan đã nhìn thấy tất cả nhưng nó chẳng nói gì. Nó thấy mà như không thấy. Hay nó còn chờ đợi điều gì? Đợi nạn hồng thủy chăng?
***
Lên bảy tuổi, Trà Long vào lớp một. Tôi sắm cho nó không thiếu một thứ gì, từ quyển vở, đôi dép, chiếc nón vải đến bình biđdông đựng nước có quai đeo.
Mẹ Hà Lan mặc tôi lo liệu. Bà chẳng cản, chỉ lặng lẽ thở dài. Bà nhìn thấy đáy lòng tôi và bà thương tôi như con. Qua cách chăm sóc của tôi dành cho Trà Long, bà hiểu được tình yêu của tôi đối với Hà Lan. Chắc bà buồn cho tôi lắm, bà không lộ ra đó thôi. Bà kín đáo hệt như bà tôi xưa.
Ngày khai giảng, tôi dẫn Trà Long đến trường. Trước khi trao nó tận tay cô giáo lớp một, trên đường đi tôi đã dặn dò nó đủ điều. Và đợi đến khi nó đã ngồi vào chỗ, tôi mới yên tâm bỏ lên văn phòng.
Trà Long là một đứa bé dạn dĩ. Lần đầu tiên đi học, chung quanh toàn người lạ, nó không hề mếu máo. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên một cách thích thú. Hồi nhỏ, lần đầu tiên đi học, tôi khóc la ầm ĩ. Mẹ tôi dắt tôi đến trường, khi về, tôi níu áo không cho về. Tôi khóc đòi mẹ tôi ở lại học với tôi. Vào học cả buổi, tôi vẫn còn rấm rức rên rỉ, nước mắt nước mũi chảy đầy mặt. Mãi đến khi cô giáo mua kẹo dỗ tôi, tôi mới nín.
Trà Long chững chạc hơn tôi nhiềụ Trước khi bỏ đi, tôi nói:
- Cháu ngồi đây học nhé! Nhớ nghe lời cô! Khi nào tan học, chú sẽ đón cháu về!
Trà Long khẽ gật đầu và nhìn tôi bằng cặp mắt đen láy. Đôi mắt đó như muốn nói: “Chú cứ đi đi! Đừng lo cho cháu!”. Và tôi mỉm cười, như để trả lời nó: “Ừ, chú tin cháu! Chú đi đây!”. Tôi đi và tôi hiểu rằng Trà Long đã nghe thấy những lời thì thầm của tôi.
***
Suốt những năm Trà Long học tiểu học, ngoài những buổi dạy ở trường, tôi còn kèm thêm cho nó khi về nhà. Tôi kiếm sách bắt nó đọc, ra toán cho nó làm và tối nào cũng vậy, tôi đợi nó học thuộc lòng bài vở của ngày hôm sau, dò đi dò lại kỹ lưỡng, mới đứng dậy ra về. Những lúc ấy, một mình trên đường làng, tôi nghe sương xuống trên vai mà tưởng hồn mình cỏ mọc. Tôi như dòng sông ốm, đứng mãi không trôi, kỷ niệm như rong rêu chập chờn níu giữ. Hà Lan dẫu xa lắc, trong giấc mơ tôi nó giả bộ gần kề. Nó biết hồn tôi đêm đêm không khép cửa, nó nương theo gió lùa, theo ánh trăng xanh về đứng bên đời tôi thấp thoáng, để sáng ra tôi nhớ mãi điều gì.
Trăm công nghìn việc ban ngày
Anh xoay xở để lấp đầy nhớ em
Dặn lòng đóng cửa cài then
Trong chiêm bao lại tự mình mở ra.
Tình tôi lững lờ như câu hát. Tình tôi chiêm bao mộng mị. Mắt biếc năm xưa nay đâu để hồn tôi trống vắng. Hà Lan sương khói nghìn trùng, chỉ để lại Trà Long, hóa thân nó một thời niên thiếu. Tôi dốc lòng chăm sóc Trà Long tưởng như lời Hà Lan ký thác, đôi lúc lòng cũng nguôi khuây.
Trà Long thông mình, học đâu nhớ đó, tôi không phải vất vả nhiều. Những lúc rảnh rỗi, hai chú cháu thường bày trò chơi với nhau. Tôi ngồi chơi ô quan với Trà Long dưới giàn hoa thiên lý, tay rải sỏi mà hồn ngẩn ngơ, cứ ngỡ trước mặt mình là người bạn nhỏ năm nao. Những lúc ấy, bồn chồn khắc khoải, tôi chơi như người mất hồn, Trà Long cứ hoài hoài nhắc nhở.
Chơi ô quan chán, tôi dẫn Trà Long đi rảo quanh các bụi bờ hái duối và tìm bông dủ dẻ. Ngày nghỉ, tôi dẫn nó lên trường tìm trứng chim trên các đầu hồi. Tôi kể cho nó nghe ngày xưa tôi đã tìm trứng chim cho mẹ nó và tôi đã té u đầu như thế nào. Nghe tôi kể, Trà Long cười khúc khích:
- Chú té chỗ nào đâu?
Tôi chỉ tay xuống chân:
- Ngay chỗ này nè! Chú té hai lần. Lần thứ nhất u đầu. Lần sau chảy máu mũi.
Trà Long đưa tay bụm mặt:
- Eo ôi, ghê quá! Rồi chú làm sao?
Tôi cười:
- Chú phải nằm ngửa mặt lên trời cho mẹ cháu hái lá nhét vào mữi.
Trà Long trố mắt:
- Làm sao nhét lá vào mũi được?
- Được chứ! À, trước khi nhét phải vò nát.
Trà Long lại hỏi, giọng hồi hộp:
- Rồi sao nữa hả chú?
- Sao là sao?
- Rồi mũi chú có hết chảy máu không?
- Hết chứ! Hết ngay lập tức!
Trà Long reo lên:
- Hay quá hén! Lá gì vậy chú?
Tôi lắc đầu:
- Chú không biết. Nhưng bà ngoại cháu biết. Cháu về hỏi bà ngoại ấy.
Tôi không biết Trà Long có định hỏi bà ngoại không nhưng tôi thấy mặt nó lộ vẻ ngẩn ngơ. Nó nhìn tôi, thận trọng dặn:
- Lát nữa chú trèo kheo khéo nghen! Cháu không biết hái lá như mẹ cháu đâu!
Tôi cười:
- Cháu đừng lo. Hồi nhỏ chú mới té. Bây giờ chú không té nữa đâu. Bây giờ trèo một mình chú cũng không té.
Nói xong, tôi thoăn thoắt trèo lên đầu hồi. Các bậc thang kêu răng rắc dưới chân tôi. Cái thang không người vịn, lắc lư phát khiếp. Trà Long trố mắt dòm, chắc nó hồi hộp lắm. Nhưng tôi vẫn giữ được thăng bằng. Tôi đã nói rồi, tôi không té. Tôi đã lớn rồi, tôi không té ở đây. Cái thang này bắc lên đầu hồi chứ đâu phải bắc lên trái tim của Hà Lan. Trà Long còn nhỏ, nó chỉ sợ tôi u đầu, nó đâu sợ trái tim tôi xây xát. Cháu đâu có biết, tìm trứng chim cho cháu đối với chú nào có khó khăn gì, chỉ có tìm hạnh phúc cho mình chú mới chẳng biết tìm đâu. Mẹ cháu đã lấy đi tất cả.
Chương 9
Thỉnh thoảng tôi dẫn Trà Long vào rừng hái sim. Tôi len lỏi giữa những bụi sim hoa tím. Tôi len lỏi giữa những kỷ niệm.
Trà Long đi bên cạnh tôi, hồn nhiên, sung sướng. Mỗi lần tìm thấy một trái sim chín mọng đang ranh mãnh giấu mình sau cành lá lòa xòa, nó reo lên hớn hở.
Tôi hái cho Trà Long đầy cả hai túi sim. Nó vừa đi vừa ăn, thoáng chốc đã hết. Tôi lại phải hái cho nó đầy hai túi khác. Có lúc, thừa dịp tôi quay mặt đi, Trà Long lén hái hoa cài lên mái tóc rồi kêu:
- Chú Ngạn!
Tôi giật mình ngoảnh lại và sững sờ khi thấy Trà Long giống hệt Hà Lan xưa.
Trà Long nghịch ngợm hỏi:
- Chú thấy cháu có đẹp không?
Tôi mỉm cười:
- Đẹp lắm!
Nó lại nghiêng đầu hỏi:
- Cháu có giống bà tiên không?
Ý nó muốn nhắc đến những câu chuyện cổ tôi thường kể cho nó nghe, những câu chuyện tôi học được của bà tôi. Tôi nhìn nó, bâng khuâng:
- Cháu không giống bà tiên. Nhưng cháu giống hệt mẹ cháu hồi nhỏ.
Trà Long chớp mắt:
- Sao chú cứ nhắc đến mẹ cháu hoài?
Câu hỏi ngây thơ của Trà Long khiến tôi bối rối. Tôi chưa biết trả lời sao, nó lại hỏi:
- Hồi nhỏ chú có dắt mẹ cháu vào rừng chơi không?
- Có! – Tôi vội vã gật đầu.
- Chú có hái sim cho mẹ cháu không?
Tôi cắn môi:
- Có. Cả chú và mẹ cháu cùng hái.
Nó bỗng hỏi:
- Ai hái nhiều hơn?
Tôi ấp úng:
- Tất nhiên là… mẹ cháu.
Trà Long nheo nheo mắt:
- Chú nói dối!
Tôi chỉ biết cười trừ:
- Thật ra thì…chú quên rồi!
Trà Long ngó tôi, vẻ nghi ngờ:
- Chú không quên. Cháu biết chú nhớ. Chú nhớ nhiều chuyện.
Rồi bỗng dưng nó lại gần, nắm lấy tay tôi:
- Chú nói cho cháu nghe đi!
Tôi hoang mang:
- Nói chuyện gì?
Trà Long ngước nhìn tôi:
- Chuyện về mẹ cháu ấy! Ba cháu đâu?
Tôi nuốt nước bọt và thấy bóng mình in sững giữa hoàng hôn buốt tím. Tôi đứng lâu thật lâu, tim thót lại. Trà Long lại lắc lắc tay tôi:
- Chú nói đi! Ba cháu là ai?
Tôi chép miệng:
- Tại sao cháu không hỏi bà ngoại?
- Cháu hỏi rồi.
- Bà ngoại cháu bảo sao?
- Bà ngoại bảo ba cháu chết rồi. Có đúng vậy không chú?
Tôi tránh ánh mắt của Trà Long. Tôi nhìn về phía chân trời xa nơi những cụm mây đang bốc cháy, khẽ thở dài:
- Ừ, ba cháu chết rồi.
Trà Long vẫn nhìn sững tôi:
- Chú nói thật không?
- Thật mà.
- Cháu không tin! – Trà Long vùng kêu lên – Người chết là phải có bàn thờ. Nhà cháu đâu có bàn thờ.
Trà Long làm tôi khó xử quá chừng. Tôi chưa kịp nghĩ ra cách đối phó, nó đã hỏi dồn:
- Chú nói thật đi! Ba cháu đâu?
Tôi vẫn cứ đứng trơ như phỗng, ruột rối tơ vò. Tôi chìm vào suy tưởng, lâu thật lâu, Trà Long vẫn im lìm bên cạnh, thấp thỏm chờ đợi. Quanh tôi, thời gian vẫn lầm lũi trôi qua và buổi chiều đang lướt đi xào xạc, cánh áo mỏng của nó khẽ chạm vào vai tôi hờ hững. Trong một thoáng, tôi bỗng bàng hoàng hiểu rằng nếu tôi không cất tiếng, tôi sẽ đời đời câm nín và hai chú cháu sẽ hóa đá trong mỗi phút giây thinh lặng nặng nề. Tôi khẽ rùng mình và đặt tay lên bờ vai bé bỏng của Trà Long, giọng xa vắng:
- Thôi, cháu đừng hỏi làm gì! Lớn lên cháu sẽ hiểu tất cả!
Trà Long vùng vằng:
- Nhưng bây giờ cháu đã lớn rồi! Cháu học lớp năm!
Tôi mỉm cười và nhìn nó bằng ánh mắt âu yếm:
- Cháu chưa lớn đâu! Lớp năm hãy còn bé lắm!
Trà Long lập tức buông tay tôi ra, giọng giận dỗi:
- Chú nhất định không nói phải không?
Tôi cười khổ sở:
- Chú đã nói rồi. Cháu hãy hiểu cho chú…
Không đợi tôi nói hết câu, Trà Long bỏ chạy ra ngoài bìa rừng. Nó vừa phóng thoăn thoắt trên các mô đất nhấp nhô vừa ngoái cổ lại nói:
- Chú không nói, cháu không thèm chơi với chú nữa đâu! Cháu về nhà đây!
Tôi hốt hoảng chạy theo:
- Trà Long, đứng lại! Chờ chú với!
Nó vẫn cắm cổ chạy, vạt tóc thấp thoảng sau các bụi lá xanh. Tôi đuổi phía sau, miệng kêu ơi ới:
- Trà Long! Lại đây chú chở về!
Trà Long vẫn không thèm ngoái lại. Nó bướng bỉnh hệt như mẹnó xưa. Hồi đó, Hà Lan hờn giận, tôi phải năn nỉ cả ngày trời, khổ ơi là khổ.
Đang chạy, thình lình Trà Long vướng phải một gốc cây cụt, ngã lộn nhào. Tôi điếng người, nhảy bổ lại vội vàng đỡ nó dậy và lo lắng hỏi:
- Cháu có đau lắm không, Trà Long?
Trà Long không trả lời. Mà nó gục đầy vào cánh tay tôi, rấm rức. Tiếng khóc nó xuyên qua ngực tôi.
***
Thỉnh thoảng, Hà Lan vần về làng thăm con. Mỗi lần về, nó ở quanh quẩn trong nhà, chẳng đi đâu. Tôi đến chơi, nằm đu đưa trên võng, bồi hồi ngắm hai mẹ con xúm xít bên nhau. Hà Lan hỏi con đủ chuyện, Trà Long trả lời chẳng đâu vào đâu. Nó có vẻ kém hào hứng. Nó không thích loanh quanh trong nhà. Nó muốn mẹ dẫn đi chơi nhưng Hà Lan lại không hưởng ứng.
Trà Long không hài lòng mẹ, nó một mực kỳ kèo:
- Mẹ và chú Ngạn dẫn con vào rừng Sim chơi đi!
Hà Lan thở dài liếc tôi. Tôi hiểu, Hà Lan giờ đã khác. Tôi chẳng mong đợi gì. Lòng nó bây giờ như chiếc lá khoai, tình tôi mưa xuống, nghìn giọt rơi nghìn giọt chảy ra ngoài. Nó sợ vào rừng Sim. Nó sợ kỷ niệm bủa vây. Trà Long giục nó hoài, nó nhìn tôi cầu cứu.
Tôi nhỏm dậy, bảo Trà Long:
- Cháu muốn vào rừng chơi, chú sẽ dẫn cháu đi! Mẹ cháu mới ở thành phố về còn mệt để cho mẹ cháu nghỉ!
Trà Long ngúng nguẩy:
- Cháu không chịu đâu! Cháu muối đi chơi với cả hai người kìa! – Rồi nó nhe răng cười – Cháu đi giữa, mẹ một bên, chú Ngạn một bên!
Trước đòi hỏi quá quắt của Trà Long, tôi chẳng biết nói sao, bèn tìm cách lẻn ra khỏi nhà. Đi một quãng xa, tôi còn nghe tiếng Trà Long gọi với theo:
- Chú Ngạn! Chú trốn cháu phải không? Cháu không thèm chơi với chú nữa đâu!
Tôi cắn chặt môi, bỏ đi luôn.
***
Trà Long lên lớp sáu, ra trường huyện. Ngày rời làng, nó khóc như mưa bấc, nước mắt nó muốn trôi cả chợ Đo Đo. Nếu không có tôi đưa nó ra phố huyện, đi nửa đường dám nó thổn thức quay về ngồi trước thềm nhà khóc tiếp.
Ngày vào lớp một, Trà Long gan lì, đi từ nhà đến trường không rơi một giọt nước mắt, sao hôm nay rời làng, lòng nó lắm mưa bay. Hay nó giống như tôi, nó giống như ông ngoại nó, khúc ruột liền với tình yêu quê xứ, mỗi bước ra đi là mỗi bước bận lòng.
Ra đến huyện, đôi mắt Trà Long còn đỏ hoe. Tôi đưa nó đến nhà ông chú chạy xe đò, nơi trước đây Hà Lan từng ở. Sắp xếp nơi ăn chốn ở cho nó xong xuôi, tôi quay xe về làng.
Nhưng Trà Long không cho tôi về. Nó níu tay tôi, khẩn khoản:
- Chú ở chơi với cháu thêm một ngày nữa đi!
Tôi nhìn nó, thấy tội tội. Lần đầu tiên ra phố huyện, lạ cảnh lạ người, chắc nó buồn lắm. Tôi gật đầu:
- Ừ, chú ở lại, mai về. Bây giờ chú chở cháu đi chơi một vòng nghen!
Trà Long mừng lắm. Nó nhảy tót lên yên sau, ôm chặt lấy hông tôi, mặt mày hớn hở:
- Chú chở cháu đi mấy vòng cũng được!
Tôi chở Trà Long ngang qua trường huyện. Trường vẫn như xưa. Những dãy lớp đóng cửa im ỉm chờ ngày nhập học. Sân cỏ mênh mông, uá vàng vì nắng hè và hàng dương liễu vẫn thướt tha dọc hàng rào cát trắng.
- Trường cháu đây nè! – Tôi nói.
- Ôi, trường đẹp quá hả chú? – Trà Long kêu lên – Hồi nhỏ chú và mẹ cháu cũng học ở đây phải không?
- Ừ! – Tôi gật đầu và chỉ tay về phía hàng rào – Hồi đó mẹ cháu hay ngồi chơi ở dưới gốc cây dương liễu này.
Nói xong, tôi giật mình. Tôi sợ Trà Long lại bảo: “Chú sao cứ nhắc đến mẹ cháu hoài!”. Nhưng Trà Long vẫn ngồi im sau lưng tôi. Chắc nó đang tò mò ngắm nghía ngôi trường mới của mình.
Tôi ghé thăm bà Năm Tự. Thấy tôi, bà nhận ra ngay:
- Ồ, Ngạn đấy hả? Lâu ghê mới gặp cháu! – Giọng bà mừng rỡ, rồi không kịp để tôi nói gì, bà vồn vã hỏi tiếp – Sao, cháu đã vợ con gì chưa?
Tôi mỉm cười, lắc đầu:
- Dạ chưa.
Bà Năm Tự quay sang Trà Long:
- Vậy chứ đứa bé nào đây?
- Dạ, đây là con gái Hà Lan.
- Phải Hà Lan là con bé hồi trước vẫn thường tới đây học chung với cháu? – Bà Năm Tự nắm tay Trà Long lại gần, xuýt xoa – Chà, con gái lớn quá hén!
Tôi nhìn quanh nhà, ngập ngừng hỏi:
- Anh Nhân đâu rồi, bà?
- Nó đi câu ngoài sông Ngang. Nó buồn đời, suốt ngày ngồi bên bờ sông.
Anh Nhân là con trai bà Năm Tự. Anh đi lính tận Ban Mê Thuột, đánh nhau què giò, bị cưa một chân, thành thương phế binh giải ngũ về nhà. Ngày anh về, bà Năm Tự đốt nhang cảm ơn trờ phật: “May mà nó không chết bờ chết bụi, cụt một chân đã là phúc, còn dẫn xác về nhà với mẹ”. Nhưng từ ngày đó, anh Nhân đổi tính. Anh lầm lì, chẳng nói chuyện với ai, ngày nào cũng xách cần câu ra đi từ sáng sớm, tối mịt mới về. Bà Năm Tự buồn lại hoàn buồn. Khoái đi câu, ở làng tôi có thầy Cải khác anh Nhân. Thầy Cải đi câu vì niềm vui, anh Nhân đi câu vì nỗi buồn.
Sau một hồi trò chuyện, bà Năm Tự kêu tôi vàTrà long ở lại ăn cơm. Tôi một mực từ chối. Tôi không sợ món canh rau dền, tôi chỉ sợ ngồi chơi lâu, bà Năm Tự buộc miệng hỏi thăm về ba của Trà Long thì khốn.
Tôi chào bà Năm Tự, chở Trà Long về nhà. Tối đó, tôi ngủ lại nhà ông chú nó. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đạp xe lặng lẽ về làng. Khi tôi đi, Trà Long còn ngủ.
***
Từ ngày Trà Long ra phố huyện, cuộc sống tôi trở nên quạnh quẽ. Tôi ngồi trên lớp dạy học trò, nhìn đứa bé nào cũng nhớ tới Trà Long. Những buổi chiều càng trống trải, dài lê thê. Hai mẹ con đi
mục hay: truyen sex|truyen loan luan
truyen nguoi lontruyen sex 2015